Sáng 9/10, Trung tâm phòng, chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Trị cho biết, lượng mưa 4 ngày từ 19h ngày 5 đến 5h ngày 9/10 trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 500 đến 700 mm.
Một số nơi ở vùng trung du và miền núi lớn hơn, trong đó Hướng Linh – Hướng Hóa 1.172,4 mm, Vĩnh Ô – Vĩnh Linh 1008,8 mm, Hướng Hiệp – Đakrông 944 mm. Mưa lớn đã làm mực nước trên các sông lên rất nhanh, đạt đỉnh phổ biến ở mức trên báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Riêng sông Hiếu vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983 và 1999.
Sáng 9/10, Quảng Trị vẫn tiếp tục mưa trên diện rộng, lũ trên các sông có xuống nhưng rất chậm, thời điểm hiện tại ở nhiều nơi vẫn trên mức báo động 3. Đặc biệt nhiều tuyến đường giao thông quan trọng vẫn đang trong tình trạng bị tê liệt do ngập lụt nặng và bị hư hỏng nghiêm trọng do mưa lũ gây ra.
Trong đó, tuyến đường 588 ở huyện miền núi Đakrông bị ngập sâu, chia cắt các xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, Mò Ó và trung tâm huyện lỵ này. Tuyến đường vào trung tâm các xã A Vao, Ba Nang (Đakrông) cũng bị chia cắt tại nhiều vị trí như cầu Đá Đỏ, cầu Ra Lây và Tà Rẹc.
Tuyến đường Hồ Chí Minh các nhánh Đông cầu treo Đakrông đi A Lưới- Thừa Thiên Huế, Khe Sanh đi Quảng Bình bị sạt lở nhiều điểm, hàng ngàn khối đất, đá đổ tràn ra lòng đường, gây ách tắc giao thông hoàn toàn. Tuyến đường Xuyên Á từ xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ đi cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh cũng bị ngập sâu tại nhiều điểm, không thể qua lại được.
Sáng 9/10, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cùng đoàn công tác của tỉnh này tiếp tục có mặt tại các vùng bị ngập lụt nặng trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo các lực lượng giúp đỡ nhân dân ứng phó với mưa lũ; di dời, sơ tán bà con đến các vùng cao trú tránh lũ an toàn; bố trí nơi ăn chỗ ở, tuyệt đối không để người dân nào bị rét, bị đói.
Ông Đồng cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ huyện đảo Cồn Cỏ, tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều đã và đang bị ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi mực nước đã ngang và hơn các trận lụt lịch sử năm 1983 và 1999.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị rất tốt, lũ lớn và những cơn lũ quét rất mạnh ở các vùng thấp lũ, trung du và miền núi đã khiến 2 người bị chết và 7 người mất tích. UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các ban ngành, đơn vị, lực lượng cứu nạn, cứu hộ khẩn trương, tích cực tìm kiếm các nạn nhân.
Tuy nhiên, do nước lũ chảy quá xiết, địa hình xảy ra tai nạn lại hết sức hiểm trở, nguy hiểm nên đến thời điểm hiện tại vẫn còn 7 người bị mất tích vẫn chưa tìm thấy được.
Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho hay, đơn vị đã điều động phần lớn quân số phối hợp Công an các đơn vị xã trong toàn tỉnh và các đơn vị, lực lượng chức năng khác tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống bão lụt, giúp đỡ nhân dân ứng phó với mưa lũ nặng đang diễn ra.
Sáng 9/10, tại huyện Cam Lộ, các lực lượng tiếp tục di dời, sơ tán, ứng cứu những hộ dân còn lại đang bị ngập lụt và sắp ngập lụt ở các thôn Bích Giang, xã Cam Hiếu; Bình Mỹ và An Mỹ, xã Cam Tuyền; Tam Hiệp, xã Cam Thủy; Quật xá và Tân Mỹ, xã Cam Thành và thị trấn Cam Lộ ở vùng ven sông Hiếu đến các xã vùng cao thuộc vùng Cùa của huyện này để trú tránh an toàn. Tại TP Đông Hà, các lực lượng tiếp tục di dời bà con ở những phường thấp lũ, bao gồm Đông Lễ, phường 2, Đông Giang và Đông Thanh lên nhà dân và hội trường của các công sở ở các phường cao để tránh lũ.
Tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, lực lượng Công an huyện đã chủ động chỉ đạo, phối hợp Công an các đơn vị xã trên địa bàn tiếp tục di dời, sơ tán người dân đến những nơi an toàn để trú tránh lũ, bố trí các tổ Công an phối hợp dân quân và thanh niên xung kích đảm bảo ANTT tại chỗ và tài sản cho người dân. Đến trưa 9/10, công tác trên đã hoàn tất tại các thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành; Gia Phúc Gia Lâm, Vĩnh Long; Huỳnh Thượng và Huỳnh Hạ, Vĩnh Sơn; Quảng Xá, Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh); các xã Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn, Gio Mai, Gio Việt, Linh Trường, Hải Thái và thị trấn Cửa Việt, Gio Linh.
Qua 2 ngày khẩn trương và tích cực, đến trưa 9/10, các lực lượng Công an tỉnh Quảng Trị đã tham gia di dời, sơ tán, ứng cứu người dân khỏi bị ngập lụt và tai nạn khác do mưa lũ gây ra với tổng cộng 3.742 hộ, 13.120 nhân khẩu đến các địa điểm, khu vực trú tránh mưa lũ an toàn, đảm bảo không bị đói, rét. Lực lượng Công an cũng đang chờ mưa lũ rút để giúp dân khắc phục, sửa sang 20 căn nhà bị mưa lũ làm hư hỏng; gió lốc làm tốc mái tại các huyện Hướng Hóa, Gio Linh, Hải Lăng và TP Đông Hà.